Hội thảo khoa học quốc tế “Các trào lưu tư tưởng kinh tế tại CHLB Đức: Lịch sử và phát triển”

Cập nhật 08:00 ngày 06/10/2022
(Hội thảo khoa học) - Chiều ngày 06/10/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học "Các trào lưu tư tưởng kinh tế tại CHLB Đức: Lịch sử và phát triển", với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF), Cộng hòa Liên bang Đức. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo có sự tham gia đông đủ của các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng kinh tế từ Viện Hàn lâm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Đại học ngoại thương, Học viện ngoại giao, Đại học Khoa học xã hội Nhân văn và một số đại diện quỹ của Đức tại Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu và GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ FNF tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo
 
Cùng với tiến trình của lịch sử và quá trình phát triển của nền kinh tế, các trào lưu tư tưởng về kinh tế đã hình thành, tồn tại và phát triển tại nước Đức, có những ảnh hưởng nhất định tới sự lựa chọn các mô hình kinh tế, định hướng phát triển của Chính phủ và các đảng/liên minh đảng cầm quyền, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Đức.
 
Một số học thuyết, trào lưu tư tưởng kinh tế của Đức không chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi nước Đức mà còn có những ảnh hưởng ở phạm vi khu vực và thế giới, mang tới nhiều giá trị tham khảo cho nhân loại.
 
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng phát biểu khai mạc hội thảo
 
Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, Cộng hòa Liên bang Đức là một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam, và cũng là một đối tượng nghiên cứu quan trọng trong nghiên cứu về châu Âu học, đất nước học, một lĩnh vực nghiên cứu chính của Viện nghiên cứu châu Âu.
 
Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay là một hình mẫu phát triển cho các quốc gia với sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Là cái nôi của các nhà tư tưởng lớn từ F.Hegel đến Karl Marx, F.Engel, Marx Weber, các nhà kinh tế học của trường phái Freiburg như Walter Eucken, Wilhelm Ropke, Alexander Rustow, nhà kinh tế học thời hậu chiến Alfred Muller-Armack, vì thế, một câu hỏi đặt ra là lịch sử phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức hiện đại đã chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng như thế nào?
 
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng hy vọng các tham luận và ý kiến được trao đổi, chia sẻ từ các quý vị đại biểu, các nhà khoa học sẽ góp phần tích cực vào việc làm rõ hơn những luận cứ khoa học trên quan điểm khách quan và biện chứng, tiếp thu những giá trị tiến bộ của các trào lưu tư tưởng kinh tế Đức và gợi mở cho Việt Nam.
 
GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ FNF tại Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo
 
Phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ FNF tại Việt Nam chia sẻ: trên cơ sở các dự án hợp tác với Việt Nam, Quỹ Friedrich - Naumann tổ chức nhiều cuộc đối thoại, hội thảo và thúc đẩy trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Đức về nhiều chủ đề như: Giáo dục và đào tạo, xã hội mở và số hóa, tương lai của thị trường kinh tế và hội nhập quốc tế.
 
GS.TS. Andreas Stoffers đề xuất, hội thảo hôm nay cần tiếp tục thảo luận về các ý tưởng kinh tế trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại và sắp tới, từ đó gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Đức cũng như Việt Nam.
 
Quang cảnh hội thảo
 
Tổng quan chung về các trào lưu tư tưởng kinh tế tại Đức, TS. Đinh Mạnh Tuấn, Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, ngày nay, nền kinh tế thị trường xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức đang phải ứng phó với những thách thức mới đặt ra, như sự phát triển của thương mại toàn cầu và toàn cầu hóa, bất ổn chính trị khu vực và trên thế giới, sự thay đổi cấu trúc do xu hướng chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gây ra, do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng, cũng như điều kiện nhân khẩu học tại Cộng hòa Liên bang Đức có chiều hướng ngày càng xấu đi. Do đó đòi hỏi cần phải có những điều chỉnh trong định hướng, giải pháp nhằm cải cách nền kinh tế thị trường xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức để thích ứng với những thay đổi và bối cảnh mới đặt ra. Điều đó cũng cho thấy, các lý thuyết cổ điển về sự phát triển tư bản chủ nghĩa - từ Karl Marx và Weber vẫn còn nguyên những giá trị, khi đều thống nhất với nhau trong việc thừa nhận sự điều chỉnh không ngừng của chủ nghĩa tư bản và sự mất cân bằng cố hữu của nó.
 
Phân tích một số nét chính về tư tưởng kinh tế trong phát triển bền vững tại Cộng hòa Liên bang Đức, TS. Lý Đại Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay, nước Đức đang trong quá trình hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
 
Trong quá trình đó, cần có sự kết hợp cân bằng kinh tế, môi trường và xã hội; chú trọng huy động tài chính từ dưới lên; ít phụ thuộc vào Nhà nước, và đặc thù hóa các mục tiêu về phát triển bền vững cho phù hợp với tiềm lực của đất nước, là một số nét chính trong tư tưởng về kinh tế trong phát triển bền vững tại Đức. Khi xét các thông số tương ứng, cũng giống như nước Đức, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đạt được trạng thái phát triển bền vững yếu, mà chưa đạt được bền vững mạnh. Từ đó, việc tiếp thu các kinh nghiệm của nước Đức, nhất là về tư tưởng kinh tế, có thể tạo thêm các bài học quý báu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững trong tương lai.
 
 
 

Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại hội thảo
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo các tuyến vấn đề lớn như: tổng quan chung về các trào lưu tư tưởng kinh tế lớn có ảnh hưởng đến Cộng hòa Liên bang Đức hiện đại; ảnh hưởng của tư tưởng kinh tế của Marx; ảnh hưởng của tư tưởng kinh tế thị trường xã hội; ảnh hưởng của tư tưởng kinh tế thị trường tự do; ảnh hưởng của tư tưởng phát triển bền vững.
 
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cảm ơn các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đến tham dự hội thảo, cảm ơn Quỹ Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam đã đồng hành cùng với Viện Nghiên cứu châu Âu tổ chức hội thảo này. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận làm rõ hơn những luận cứ khoa học trên quan điểm khách quan và biện chứng về các tư tưởng kinh tế Đức, tiếp thu những giá trị tiến bộ của các trào lưu tư tưởng kinh tế Đức. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển, nội dung lý luận của các trào lưu tư tưởng kinh tế của Đức là một điều rất cần thiết. Một mặt, giúp tăng cường hoạt động nghiên cứu lý luận, gắn chặt với tổng kết thực tiễn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam. Mặt khác, điều này cũng góp phần tăng cường sự hiểu biết hơn nữa về nước Đức, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
 
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng hy vọng, trong tương lai sẽ còn có những hợp tác nhiều hơn nữa giữa Viện Nghiên cứu châu Âu và Quỹ Friedrich Naumann Foundation trong việc nghiên cứu lĩnh vực này.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Theo vass.gov.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn