Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”
Cập nhật 09:32 ngày 28/03/2022
(Hoạt động khoa học) - 15/03/2022 Sáng ngày 15/3/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đến dự và phát biểu chào mừng Hội thảo.
Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu chào mừng
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khao mạc
Tham dự Hội thảo có nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ban, ngành trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn Phòng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội… Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin về Hội thảo.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu đề dẫn
PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu
Cùng với sự phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan tới công tác quản lý đất đai đã dần được hoàn thiện. Trước khi Luật Đất đai ra đời năm 1987, từ năm 1945 cho tới khi thống nhất đất nước năm 1975, đất đai ở miền Bắc và sau đó là trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Qua quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo từng thời kỳ phù hợp với quá trình đổi mới và phát triển đất nước.
Qua các lần sửa đổi, bổ sung, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã cung cấp một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh về chính sách đất đai, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn trước; an ninh lương thực được đảm bảo; đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn; thị trường bất động sản từng bước được mở rộng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên...
Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực đất đai chưa thực sự được khai thác và sử dụng có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng. Còn tồn tại không ít vấn đề nổi cộm về quản lý và khai thác, sử dụng đất như: công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, chưa thực sự có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững; việc sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nông trường, v.v.
Quang cảnh Hội thảo
Bài phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, gắn liền với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam. Đất đai cũng là thành phần quan trọng của môi trường sống, đồng thời là không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư gắn liền với từng gia đình, dòng họ và mọi người dân. Đất đai là địa bàn xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực, nguồn vốn to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật đất đai qua các lần được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng, cần phải được xem xét, phân tích và đề ra phương hướng giải quyết cụ thể.
Chủ tịch Bùi Nhật Quang cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra định hướng mang tính chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”, trong đó có nguồn lực đất đai, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ đột phát chiến lược, trong đó có vấn đề đất đai như: “huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực đất đai”. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch; phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất…
Thông qua Hội thảo, Chủ tịch Bùi Nhật Quang mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan, khoa học để mổ xẻ vấn đề chính sách đất đai từ nhiều chiều, từ đó có cơ sở đề xuất giải pháp, xử lý những vấn đề mang tính “căn cơ” đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật đất đai; đồng thời có những kiến nghị mang tính “đột phá” nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thị trường đất đai để giải phóng nguồn lực đất đai, để thị trường đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, tiềm lực đất đai hiện nay vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tình trạng đầu cơ đất, lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai vẫn diễn ra phức tạp.
Bối cảnh trên đang tạo ra cả cơ hội và thách thức mới đối với việc quản lý và sử dụng đất; đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản công tác quản lý và sử dụng đất, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, theo hướng không chỉ nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại, mà còn tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để giải quyết tốt vấn đề đất đai, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vũ Hồng Sơn cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý và sử dụng đất thời gian qua, như công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, để từ đó có những giải pháp hiệu quả...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn nhận định: Cùng với sự phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan tới công tác quản lý đất đai đã dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực đất đai chưa thực sự được khai thác và sử dụng có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng. Còn tồn tại không ít vấn đề nổi cộm về quản lý và khai thác, sử dụng đất.
Trên cơ sở nhận thức rõ ràng những hạn chế, tồn tại trong khai thác nguồn lực đất đai là một trong những điểm nghẽn quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đất đai, đề ra nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”. Trong đó, những nội dung được ưu tiên hàng đầu là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất…
PGS.TS. Phạm Minh Tuấn đánh giá, với hơn 50 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học về các chủ đề khác nhau, xoay quanh các nội dung chủ đạo: vấn đề sở hữu đất đai và những bất cập, điểm nghẽn, nút thắt trong khơi thông nguồn lực đất đai; những vấn đề liên quan đến vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai; những vấn đề tồn tại kéo dài có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai; vấn đề sử dụng các công cụ thị trường trong quản lý đất đai.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong 02 phiên: (1) Những điểm nghẽn trong thị trường đất đai ở Việt Nam; (2) Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách đất đai trong bối cảnh mới. Hội thảo cũng có sự tham gia bằng hình thức trực tuyến của nhiều nhà khoa học không có điều kiện tham gia trực tiếp.
Bàn về nguồn thu từ đất và vốn hoá từ đất, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam cần khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua vốn hóa đất đai. Vốn tài chính từ đất sẽ là nguồn vốn chủ yếu để đầu tư phát triển. Do đó, cần nghiên cứu để đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp, trên nguyên tắc không lãng phí nguồn vốn đất đai, quản lý tốt đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất đai thuộc tài sản tư, từ đó tạo các cơ chế phù hợp để tăng nguồn thu từ đất.
PGS.TS. Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì cho rằng, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới là nguồn lực đất đai phải được sử dụng có hiệu quả tổng hợp cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh-bền vững đất nước. PGS.TS. Trần Quốc Toản cũng chia sẻ nhiều giải pháp về đổi mới và hoàn thiện quan hệ sở hữu đất đai trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng phân tích và đưa ra nhiều giải pháp về chính sách đối với những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay…
Tập trung thảo luận, các đại biểu thống nhất quan điểm cần bám sát những yêu cầu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện và đầu cơ đất đai; giải quyết căn bản những tồn tại, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và do yêu cầu mới của thực tiễn; giải quyết tốt mối hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý, sử dụng đất…
Hội thảo nhận được nhiều tham luận và nhiều ý kiến thảo luận. Đây là dịp để các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách đất đai. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp đúng đắn, sáng tạo nhằm tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, cảm ơn tới các vị khách quý, các nhà khoa học tham dự Hội thảo; cảm ơn hai cơ quan đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị Hội thảo; cảm ơn phóng viên các cơ quan báo chí - truyền thông đã đến đưa tin, bài về Hội thảo.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành Báo cáo kiến nghị chính sách để gửi đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đất đai trong giai đoạn tới, đặc biệt là phục vụ chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đánh giá 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Theo tapchikhxh.vass.gov.vn