Hội thảo khoa học “Điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại của Liên minh châu Âu”

Cập nhật 14:00 ngày 10/11/2022
(Hội thảo khoa học) - 04/11/2022 Sáng ngày 03/11/2022, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại của Liên minh châu Âu”. Tham dự Hội thảo có sự tham gia đông đủ của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ khối các viện nghiên cứu quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội và một số trường đại học trong nước.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và PGS.TS. Đặng Minh Đức đồng chủ trì hội thảo
 
Dưới tác động của đại dịch Covid-19 và hệ lụy từ cuộc xung đột Nga – Ucraina đã khiến Liên minh châu Âu (EU) chịu nhiều biến động và thách thức chưa từng có trong lịch sử, tác động đa chiều đến quá trình liên kết và phát triển của EU. EU đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế đối ngoại nhằm duy trì sự ổn định, vị thế, vai trò của mình ở khu vực, cũng như trên thế giới.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, sự điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại của EU đóng vai trò quan trọng đối với sự hợp tác và phát triển giữa các châu lục cũng như góp phần vào sự phát triển chung của hòa bình, ổn định trên thế giới. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng mong muốn, các tham luận và ý kiến được trao đổi, chia sẻ từ các đại biểu, các nhà khoa học tại hội thảo này sẽ góp phần tích cực vào việc làm rõ hơn những thay đổi, những điều chỉnh chính sách mới của EU trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế và quan hệ quốc tế, từ đó gợi mở những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
 
GS.TS. Hoàng Khắc Nam phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Nguyễn An Hà phát biểu tại hội thảo

Hội thảo diễn ra 2 phiên, với 4 tham luận được trình bày tại hội thảo, bao gồm: (1) “Kinh tế EU: Vấn đề, biện pháp ứng phó, dự báo và kiến nghị cho Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; (2) "Chính sách của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina" của PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn Châu Âu học, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; (3) "Điều chỉnh chính sách thương mại của EU và dự báo tác động tới Việt Nam" của TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu; (4) "Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu giai đoạn hiện nay: vấn đề và giải pháp" của TS. Vũ Thụy Trang, Viện Nghiên cứu Châu Âu.
 
PGS,TS. Nguyễn Văn Lịch trình bày tham luận tại hội thảo
PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh trình bày tham luận tại hội thảo
 

Nhìn từ xung đột Nga – Ucraina, PGS,TS. Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao cho biết, các nền kinh tế EU đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do lạm phát cao kỷ lục và các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Lạm phát tại EU đã lên mức kỷ lục là 10,1% trong tháng 8/2022, tăng đáng kể so với mức 9,8% trong tháng 7/2022. Đây là mức cao nhất trong vòng 25 năm kể từ khi đồng tiền này được phát hành. Cụ thể, lạm phát tại Pháp là 6,6%; Malta (7%) và Phần Lan (7,9%); Italia (8,4%, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua); Séc (17,1%); Hungary (18,6%); Litva (21,1%); Latvia (21,4%) và Estonia (25,2%). Tại Đức, lạm phát đã lên tới 10%, mức cao kỷ lục trong 70 năm qua. Dự báo tỷ lệ ở mức 2 con số sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới trong bối cảnh mùa đông đang đến gần và giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao.
 
PGS,TS. Nguyễn Văn Lịch phân tích, khủng hoảng năng lượng, dẫn đến chi phí năng lượng cao đã đè nặng lên ngân sách của EU. Ðức là một trong những nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do giá năng lượng tăng cao, đã phải chi khoảng 100 tỷ Euro qua các biện pháp hỗ trợ. Italia cũng chi tới 59 tỷ Euro (hơn 3% GDP). Tập đoàn bán lẻ Coop của Italia cho biết, khoảng 1/3 người dân ở nước này không thể thanh toán hóa đơn điện nước vào dịp Giáng sinh năm 2022, do giá năng lượng tăng cao. Croatia, Hy Lạp và Latvia cũng đã chi hơn 3% GDP của mỗi quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng… Những hệ lụy trên kéo theo nhiều bất ổn về chính trị, xã hội ở các nước EU.
 
Bàn về chính sách của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina, PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn Châu Âu học, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học KHXH&NV chỉ ra rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thay đổi, đây có thể là vấn đề cốt lõi của quá trình tái cấu trúc cơ bản trật tự toàn cầu, trong đó có quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với EU, không thể phủ nhận rằng cuộc chiến ở Ukraina khiến các nhà hoạch định châu Âu phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về cách phân bổ nguồn lực giữa châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi họ chỉ mới cam kết hoạt động tích cực hơn chưa được bao lâu. Cuộc chiến ở Ukraina đã buộc EU phải tập trung vào quan hệ an ninh với Đại Tây Dương. Cuộc khủng hoảng sẽ càng làm phức tạp thêm khả năng vốn đã hạn chế của EU trong việc đóng một vai trò an ninh có ý nghĩa hơn ở những nơi khác. Với nguồn lực hạn chế, thậm chí một số nhà phân tích coi cuộc chiến hiện tại như một minh chứng cho ý tưởng về một "sự nghiêng" về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương luôn là một điều viển vông mà giờ đây không còn có thể duy trì được nữa.
 
Do EU nói chung, cũng như các quốc gia thành viên khó có thể xây dựng tiềm lực quân sự đáng kể trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, chính trong Chiến lược của mình, EU đã chọn một con đường khác, đó là, EU sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà các cường quốc khác trong khu vực còn bỏ ngỏ và coi nhẹ trong các chính sách của họ với khu vực như: chính sách khí hậu, quản trị tốt và các vấn đề an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó, EU có thể đặt mình như một nhân tố trung lập, ổn định, thực hiện chức năng thúc đẩy trật tự quốc tế, các biện pháp an ninh phối hợp và thương mại tự do, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một điểm cần lưu ý nữa là EU cam kết thực hiện các chính sách dựa trên các nguyên tắc dài hạn. Đây có thể là một sự đối lập với các chính sách của Mỹ hay Trung Quốc, vì các nguyên tắc của EU được xây dựng từ nhiều thể chế và thỏa thuận liên quốc gia và siêu quốc gia, nhằm đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
 
PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh nhấn mạnh hơn đến cuộc khủng hoảng Ukraina khiến Mỹ phân tán nguồn lực, ưu tiên tập trung hỗ trợ các đồng minh châu Âu, do đó ít nhiều tác động đến hoạt động của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dưới góc độ của Việt Nam, có thể khẳng định, vai trò trung tâm của ASEAN đối với EU trong các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, môi trường, khí hậu và văn hóa xã hội cũng như kết nối vẫn là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt. Chiến lược của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm khẳng định một vị thế của riêng mình, khác biệt so với các cách tiếp cận tương ứng của Trung Quốc và Mỹ thông qua hợp tác với ASEAN. Như vậy, với tư cách là một thành viên của ASEAN, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ với EU, đồng thời phát huy hết các cơ hội mà EVFTA mang lại, xây dựng một vị thế vững chắc trong quan hệ với đối tác quan trọng này.
 
TS. Vũ Thuy Trang trình bày tham luận tại hội thảo

TS. Bùi Việt Hưng trình bày tham luận tại hội thảo

Phân tích một số nét chính về điều chỉnh chính sách thương mại của EU và dự báo tác động tới Việt Nam, TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, EU là khu vực có kim ngạch thương mại dịch vụ lớn nhất toàn cầu, thương mại trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 25% GDP, với kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 900 tỷ Euro/năm, là lĩnh vực tạo ra việc làm cho 21 triệu lao động.
 
Chính sách thương mại chung (Common Commercial Policy - CCP) là chính sách kinh tế đối ngoại của EU. CCP bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ, các khía cạnh thương mại đối với quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong thị trường nội khối, CCP đảm bảo xóa bỏ các rào cản thuế quan giữa các quốc gia thành viện, thực hiện đồng nhất chế độ thuế quan chung (CCT) đối với các hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào trong khu vực. Chính sách thương mại thuộc thẩm quyền riêng của EU, có nghĩa là Ủy ban châu Âu thay mặt các quốc gia thành viên, chịu trách nhiệm quản lý và đàm phán thương mại với các đối tác khác trên toàn cầu. Ứng với mỗi thời điểm khác nhau, thì CCP có những mục đích và hướng tiếp cận khác nhau. Có thể nói, với mục tiêu xuyên suốt theo đuổi thương mại tự do, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề về việc làm.
 
Trước những biến đổi kinh tế, xã hội và xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng trong những năm gần đây thì việc tiếp cận trong đàm phán thương mại theo chủ nghĩa đa phương sẽ đòi hỏi EU, Mỹ, những đối tác thương mại có tỷ trọng và chi phối cần phải có sự thay đổi trong chính sách thương mại của mình để đảm bảo trung hòa về lợi ích, cũng như khuyến khích các bên tham gia vào quá trình cải cách này.
 
TS. Bùi Việt Hưng nhấn mạnh đến tốc độ số hóa trong nền kinh tế khu vực EU đang phát triển rất nhanh, dẫn đến khoảng cách chênh lệch giữa EU và các khu vực khác ngày càng lớn. Hệ lụy của vấn đền này chính là sự khó khăn của các bên trong các hoạt động thương mại số, dựa trên nền tảng được đồng bộ hóa, hay bảo đảm được quyền riêng tư, an ninh mạng…đang ngày càng khó khăn và khó thực hiện. Như vậy, việc điều chỉnh chính sách thương mại mới của EU trong việc hỗ trợ các quốc gia, đối tác thương mại ở các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có cơ sở hạ tầng số kém, cũng buộc EU cần phải tính đến.
 
Chính sách thương mại mới của EU phải giúp tạo ra một môi trường để các nhà cung cấp dịch vụ của EU có thể phát triển và đổi mới. Trong bối cảnh, lĩnh vực kinh tế số sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, làm cơ sở tái định hình nền kinh tế toàn cầu, thì EU chỉ có thể thành công nếu trong quá trình chuyển đổi số có chương trình nghị sự kỹ thuất số theo cách thức hướng ra bên ngoài, nắm bắt được cạnh tranh… Do vậy, chính sách thương mại mới sẽ đóng một vai trò quan trọng, nhằm hướng EU đạt được mục tiêu về quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp của EU dựa trên nền tảng dịch vụ số của EU sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, các dữ liệu số hóa, mắt xích trong chuỗi cung ứng cũng sẽ phát huy tác dụng, giúp các doanh nghiệp EU tăng được lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
 
Dự báo tác động chính sách thương mại mới của EU đến Việt Nam, TS. Bùi Việt Hưng cho rằng, những điều chỉnh chinh sách thương mại mới của EU sẽ tác động đến hệ thống thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là hỗ trợ chuyển đổi xanh,chuyển đổi kỹ thuật số và thương mại dịch vụ, cũng như kinh doanh có trách nhiệm, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng các quy tắc theo chuẩn mực quốc tế... Việt Nam cần phải có những động thái quyết liệt hơn trong việc quản lý, giám sát các doanh nghiệp tuân thủ thực hiện các cam kết trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thương mại công bằng, điều kiện lao động, và các vấn đề về môi trường, phát triển bền vững.
 
 
Quang cảnh hội thảo
 
Theo Vass.gov.vn
 
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn