Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo ở vùng Nam Bộ

Cập nhật 10:00 ngày 01/01/2023
(Hoạt động khoa học) - Ngày 29/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo ở Nam Bộ giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn 2030”.
Toàn cảnh Hội nghị
 
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho biết, quá trình chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo là “tiền đề thực tiễn cần thiết” cho sự phát triển của nguồn nhân lực nói chung và cho quá trình đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực số nói riêng. “Quá trình chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo đã cung cấp những thực tiễn sinh động, những kinh nghiệm lịch sử để phát huy tiềm năng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”
 
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo
 
Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính:
 
Các vấn đề lý luận: Cơ sở lý luận về vai trò phát triển nguồn nhân lực KHXH trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo; các lý thuyết về phát triển nguồn nhân lực, bài học kinh nghiệm và các vấn đề đặt ra về mặt chủ trương, chính sách, pháp luật về sử dụng, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực KHXH chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo.
 
Các vấn đề thực tiễn: Đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của nguồn nhân lực KHXH hiện nay; phân tích các yếu tố tác động và vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực KHXH cho vùng Nam Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo giai đoạn 2025 và tầm nhìn 2030.
 
Đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách: Dự báo xu hướng; xây dựng luận điểm và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực KHXH cho vùng Nam Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo giai đoạn 2025 và tầm nhìn 2030.
 
ThS Trần Đình Đạt, Giám đốc Nhân sự, Công Ty Phú Long (Sovico)
 
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh, kỷ nguyên số tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, tạo ra thời cơ mới cho nước ta hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn với nền kinh tế thế giới. Thúc đẩy chuyển đổi số giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác nếu chúng ta tận dụng được những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Nhân lực số cần được xem như là 1 nguồn quan trọng của nguồn nhân lực
 
Muốn chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng nhất thiết phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Cụ thể là đội ngũ nhân lực số dồi dào, chất lượng để phục vụ quá trình chuyển đổi, định hình và phát triển nền kinh tế số. Đây là lực lượng lao động chính quyết định sự thành bại của công cuộc chuyển đổi này. Vì vậy, sự chuyển đổi mô hình kinh tế ở nước ta sang nền kinh tế số là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển nhân lực số là lẽ tất yếu.
 
Theo TS Vũ Hồng Phong (Trưởng Bộ môn Quản trị Nhân lực – Đai học Lao Động Xã hội) và TS Đoàn Văn Tình (Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực – Đại học Nội Vụ), công tác đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ hiện tại cần thực hiện song song với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ sáng tạo mới. Để có thể tạo ra lực lượng đủ về cả chất và lượng theo yêu cầu đặt ra của công cuộc chuyển đổi số, các nhà chuyên môn cho rằng cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh đến thực hiện đồng bộ hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế.
 
Một số đại biểu tham luận và Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm
 
Việc xây dựng, triển khai tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoàn thiện chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ
 
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực TP HCM cần xác định các yếu tố từ góc độ sinh trắc học và cùng các yếu tố khác để phát hiện, định hướng nghề nghiệp và đào tạo, phát huy sở trường tối ưu hóa từng cá nhân lao động, từ đó mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả thiết thực cho nguồn nhân lực trong chuyển đổi số. Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ nói chung là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, do đó việc chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, chất lượng sẵn sàng thích ứng với chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố, vùng và cả nước.
 
Nguồn: Viện KHXH vùng Nam Bộ
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn