11 năm - một chặng đường nghiên cứu khoa học xã hội

Cập nhật 08:00 ngày 11/11/2023
(Tin tức) - Trong cuộc sống mỗi người luôn song hành gia đình và công việc, song song với tình yêu gia đình ấy có một tình yêu đặc biệt được hòa quyện cả công việc người ta gọi đó là tình đồng chí, đồng nghiệp tại nơi làm việc. Đó là môi trường không thể thiếu đối với mỗi cá nhân. Đối với chúng tôi, trong suốt những năm tháng tuổi trẻ - ngay từ những ngày đầu tốt nghiệp đại học – Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (ISSCH) là nơi làm việc mà chúng tôi dành tình yêu thương đầy cảm xúc - là nơi cho chúng tôi một công việc, nơi có những người lãnh đạo ấm áp, những người đồng nghiệp chan chứa tình cảm. Và không quá khi chúng tôi gọi bằng một từ trìu mến nhất “ngôi nhà thứ 2”của chúng tôi.
Hòa chung với không khí Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), chúng tôi muốn gửi gắm những tâm tư, chia sẻ đến với quý thầy cô, những bậc tiền bối đi trước, các anh/chị đồng nghiệp thương mến tại VASS những trải nghiệm, những kỷ niệm đối với chúng tôi tại Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên – một Viện vùng trực thuộc VASS.

Cơ duyên đến với nghiệp nghiên cứu…

Bản thân chúng tôi là những Cử nhân Công tác xã hội, thuở sinh viên cứ nghĩ rằng ra trường mình là một nhân viên công tác xã hội (social worker) với lý tưởng cao cả rằng mình sẽ lan tỏa tình yêu thương đến mọi người đúng chất là một người làm công tác xã hội hoặc một công việc gì đó cụ thể hơn gắn với những gì mình được đào tạo. Rồi ra trường, có những bước ngoặt không thể ngờ đến, chúng tôi rời quê hương miền Trung với “gió Lào quạt lửa” đi vào miền đất hứa Tây Nguyên. Thực tế rằng lúc đó nghiên cứu viên là một từ khóa chưa bao giờ có trong suy nghĩ của chúng tôi về các ngành nghề mà mình sẽ làm. Và rồi qua nhiều sự lựa chọn trước các ngưỡng cửa khác nhau nghiệp nghiên cứu đã đến, bước vào cuộc đời chúng tôi như thế.

Chúng tôi may mắn được làm việc tại Tây Nguyên (lúc bấy giờ là Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên), nơi có những nét độc đáo về văn hóa, sự đa dạng của các dân tộc với nhiều mảng màu xã hội đan xen khiến chúng tôi thấy sự nghiệp nghiên cứu của mình bớt đơn điệu và đầy cuốn hút. Bên cạnh may mắn, chúng tôi cũng có những bất lợi ban đầu, bởi ISSCH là viện nghiên cứu đa ngành, chúng tôi hầu hết là những nghiên cứu viên trẻ mới ra trường và là những nghiên cứu viên đầu tiên làm việc tại trụ sở Buôn Ma Thuột, chưa có các chuyên gia (lúc bấy giờ, trụ sở chính Viện KHXH vùng Tây Nguyên vẫn đang đóng tại Hà Nội). Trong khi đó nghiên cứu Khoa học xã hội mang nhiều tính kế thừa do đó, chúng tôi thiếu hẳn những “cây đa, cây đề” để có thể dựa dẫm, học hỏi. Mặt khác, trụ sở VASS ở xa, những chuyên gia đầu ngành ở Tây Nguyên còn rất hạn chế, khó khăn trong tiếp cận các nguồn tư liệu,... Vì những khó khăn đó chúng tôi đã tiếp cận nghiên cứu khá lúng túng và đầy “ngô nghê” nhất định.

Với chúng tôi, lúc ban đầu, nghiên cứu là một nghề khá đặc biệt, khó hình dung mặc dù trên giảng đường Đại học chúng tôi đã từng học Phương pháp nghiên cứu khoa học, đã từng làm đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường nhưng khi bắt đầu là một nghiên cứu viên thực thụ nó làm chúng tôi bỡ ngỡ. Và thậm chí là “hoang mang” nhất định khi không biết bắt đầu thế nào, vận dụng kiến thức mình học đến đâu. Những kí ức không thể nào quên đó gắn với những thứ gọi là “lần đầu tiên” ấy. Đó là đề cương nghiên cứu đầu tiên, lần đầu đi điền dã, điều tra xã hội học, lần đầu tiếp xúc với các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên như Êđê, Mnông, Gia Rai,…, lần đầu rong ruổi trên những ngả đường của 5 tỉnh Tây Nguyên để làm đề tài nghiên cứu, tiếp xúc với những nơi, những người mà trước đây mình chỉ thấy trong ti vi, qua những áng sử thi, văn hóa dân gian của họ, lần đầu thuyết trình trong một hội thảo với tư cách là “nhà khoa học, nhà nghiên cứu”,…. Những sản phẩm đầu tiên, những bài tạp chí đầu tiên có tên mình…. tất cả lúc đó đều đến với chúng tôi như những kì tích bởi lần đầu tiên thấy tên mình trên các bản báo cáo, những cuốn tạp chí với tư cách là tác giả chứ không phải là độc giả,… Từ những lần đầu bỡ ngỡ đấy đến này đã 11 năm – cả thanh xuân, tuổi trẻ gắn bó với công việc nghiên cứu, gắn với những mảng màu văn hóa – xã hội Tây Nguyên…
 

Những chuyến điền dã ở các buôn làng Tây Nguyên
 

Thảo luận nhóm với người dân tại Gia Lai
 

Tham gia các hội thảo khoa học
 


Điều tra xã hội học tại các buôn/làng
 
 
 
Và rồi, đã tròn 11 năm gắn bó với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, với VASS….

Trong 11 năm ấy đã có rất nhiều đổi thay. Về cơ sở vật chất, từ trụ sở nhỏ bé ban đầu ở 74 Phan Huy Chú, sau đó là 213 Đinh Tiên Hoàng và hiện nay là một trụ sở khang trang ở số 1A, Nguyễn Văn Linh. Cá nhân chúng tôi cũng có sự chuyển đổi nhất định về chất, từ những cử nhân mới ra trường nay đã là những thạc sĩ, nghiên cứu sinh… gắn bó với Khoa học xã hội và Nhân văn trên mảnh đất Tây Nguyên huyền bí này.
 
 
 

Trụ sở ISSCH ở 74 Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân



 Trụ sở ISSCH tại 213 Đinh Tiên Hoàng, phường Tự An
 
 

Trụ sở ISSCH hiện nay tại số 1A, Nguyễn Văn Linh, phường Tân An

Trong 11 năm ấy, chúng tôi đã chứng kiến bao lượt người đến rồi đi, có người về hưu, có người chuyển công tác và nhiều trong số đó với lý do rời đi rằng “không có duyên với nghiệp nghiên cứu”. Không thể phủ nhận một thực tế đối với công việc này đó là không phải ai cũng làm được nghiên cứu tốt - đó cũng là một trong những đặc thù của nghề, nó cần những người có đủ kiên nhẫn, đủ đam mê. Chúng tôi vẫn còn nhớ GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khi ấy là Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trong lần đầu tiên gặp đã động viên các Nghiên cứu viên trẻ của Viện Tây Nguyên rằng “Khoa học xã hội có độ “trễ” trong phát triển so với các ngành nghề khác” và hiển nhiên không phải ai cũng bình tĩnh trước sự “trễ” ấy khi cuộc sống cứ trôi. Tôi tin rằng, những người gắn bó với nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn là những người có đủ đam mê, yêu công việc “lang thang” và đầy tính đặc thù ấy.

11 năm, cũng có nhiều lần tự hào chứng kiến những thành tích của VASS, của ISSCH đã đạt được nhưng cũng không ít lần chứng kiến những “làn sóng”, những khó khăn của VASS, của ISSCH làm chúng tôi cũng có chạnh lòng, xao động…. nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, người ra đi, người ở lại… nhưng trên hết nghiên cứu KHXH vẫn tồn tại, đứng vững như một nghề không thể thiếu trong xã hội mà ắt hẳn rằng nó vẫn đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của vùng, của địa phương.

Trong suốt 11 năm ấy đến nay, chúng tôi vẫn gắn bó với nghiên cứu dù có đôi lúc chênh vênh, có đôi lần muốn chuyển đổi sang một công việc khác nhưng hơn ai hết nghiên cứu vẫn có duyên giữ chân chúng tôi ở lại. Trong hành trình này, chúng tôi cảm thấy rất biết ơn Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, những người thầy/cô, những anh chị đồng nghiệp, những người bạn đã hỗ trợ, động viên, truyền đạt kinh nghiệm, trao truyền tri thức cho chúng tôi. Thật may mắn vì đã được gặp gỡ, học hỏi, làm việc và trưởng thành với tất cả những người mà chúng tôi từng gặp, chúng tôi luôn trân quý những điều đó.
 
Thay lời kết …

Đến hôm nay, Viện Tây Nguyên - trực thuộc VASS sau 14 năm hình thành và phát triển, sau 11 năm đóng chân tại Tây Nguyên đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc nghiên cứu lí luận và thực tiễn về các vấn đề khoa học xã hội Tây Nguyên, thể hiện được là đơn vị tư vấn, phản biện đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với 5 tỉnh Tây Nguyên. Sự thành công này là nỗ lực của Lãnh đạo Viện và tập thể cán bộ nghiên cứu, người lao động đã đoàn kết và cùng nhìn về một hướng, về mục tiêu phát triển Tây Nguyên qua những nghiên cứu khoa học xã hội.

Tôi đã đến đất Tây Nguyên hùng vĩ

Nơi gió đại ngàn tắm mát những dòng sông

Đến những buôn làng, bên nóc nhà Rông

Uống rượu cần trong lửa hồng đêm hội.

Tôi được nghe những trường ca thần thoại
Khan Dăm San qua lời kể già làng

Đất Tây Nguyên với khát vọng ngàn đời

Thuần voi dữ, tiếng cồng chiêng vọng mãi,…

(Trích: Đến với Tây Nguyên của Thích Nguyễn)

Mỗi năm tháng qua đi, là một chuỗi những kỉ niệm thật đẹp được mang theo suốt hành trình tuổi trẻ của chúng tôi. Cả quá trình gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, chúng tôi không gọi đó là thanh xuân mà gọi đó là quá trình trưởng thành, sự trưởng thành về tư duy, vốn khoa học đã được tích lũy trong suốt thời gian qua. Tiếp bước thế hệ các nhà nghiên cứu đi trước, vẫn tin và luôn hi vọng rằng, với sức trẻ, sức sáng tạo - chúng tôi với tư cách là những nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên sẽ tiếp tục gắn bó và góp phần giúp Tây Nguyên phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (1953 - 2023), là những nghiên cứu viên trẻ 11 năm tuổi, không thể chứng kiến những khoảnh khắc thiêng liêng trong những ngày đầu thành lập (Ban Sử - Địa - Văn) song trong không khí này, khoảnh khắc này biết bao cảm xúc, bao kỷ niệm ùa về rõ nét trong tâm trí như những thước phim tự sự về chặng đường từ khi vào làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (ISSCH) - một đơn vị trực thuộc VASS. Với những đóng góp lớn lao mà thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ, các nhà khoa học, các bậc tiền bối đi trước đã đạt được trong suốt 70 năm qua, chúng tôi cảm thấy rất tự hào và trân trọng những điều đó.

Với tư cách là những nghiên cứu viên trẻ của VASS, trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng rằng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế là cơ quan nghiên cứu uy tín trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và là một trong những cơ quan tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phục vụ phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Viện Tây Nguyên sẽ góp một phần trong sự thành công chung này. Chúng tôi với sức trẻ của thanh niên và niềm đam mê nghiên cứu mong muốn được đóng góp tâm sức cho sự phát triển Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên thành một Viện vùng đa ngành lớn mạnh của Viện Hàn lâm, có uy tín tại vùng Tây Nguyên, trên toàn quốc và trong khu vực về nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn và tư vấn chính sách phát triển, có đóng góp thực tiễn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.

Trên cơ sở những định hướng phát triển cơ quan nghiên cứu đầu ngành trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm, thiết nghĩ trong thời gian tới Viện Hàn lâm cần ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, nhiều “cây đa, cây đề” đã nghỉ hưu và các bạn nghiên cứu mới ra trường hành trang chỉ là những trang lý thuyết trên sách vở. Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao cùng đổi mới sáng tạo trở thành chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển trong định hướng hoạt động của Viện Hàn lâm, điều này đòi hỏi sự đầu tư trọng điểm cho việc đào tạo nhân lực nghiên cứu và quản lý, có kinh phí hỗ trợ để cán bộ, viên chức tham gia đào tạo các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo kịp với giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như các nhiệm vụ mới đặt ra. Với việc định hướng phát triển hài hòa theo hướng chuyển giao trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư cho nhân lực nghiên cứu và quản lý như vậy sẽ tạo bước tiến nhanh, bền vững phù hợp với mục tiêu duy trì vị thế của Viện Hàn lâm là cơ quan nghiên cứu uy tín trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Và cũng từ môi trường động lực đó sẽ thúc đẩy mỗi hạt nhân, mỗi con người của Viện Hàn lâm cùng cộng hưởng, cùng hoàn thiện trong sự phát triển chung.
 

 Lễ kỷ niệm 10 năm công tác tại ISSCH
 

Lê Thị Hồng Gái, Lê Hữu Phước
Cao Thị Lan Anh, Trương Thị Hồng Gái

 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn