Lịch sử tiếp biến văn hóa ở Việt Nam
Vận dụng cách tiếp cận liên ngành, đối chiếu, sàng lọc, sắp xếp các thành tựu nghiên cứu của một số ngành khoa học (khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học, địa chất học, sinh học...), bài viết phác họa lại bốn chặng đường tiếp biến văn hóa từ thời tiền Việt - Mường đến thời cận đại ở Việt Nam. Từ cội nguồn đầu tiên là văn hóa Môn - Khmer chuyên về nương rẫy và săn câu lượm hái, cư dân tiền Việt - Mường đã tiếp biến văn hóa của người Tày cổ để phát triển nền nông nghiệp lúa nước trong thung lũng và đồng bằng châu thổ. Tiếp đó, họ tiếp biến văn hóa của người Hán, người Thái và chuyển biến thành hai tộc người cư trú liền kề, chia nhau chiếm lĩnh phần lớn địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Khi người Việt tái lập nhà nước, mở rộng địa bàn vào Nam, văn hóa Việt đã tiếp biến với văn hóa Chăm, Hoa, Khmer. Khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, văn hóa Việt lại biến đổi mạnh mẽ theo chiều hướng Âu hóa và hội nhập với phương Tây. Và văn hóa Việt Kinh biến đổi thì văn hóa Việt Nam biến đổi, vì người Việt Kinh là tộc người đa số, là chủ thể chính của văn hóa Việt Nam. Bốn chặng đường biến đổi lớn trong lịch sử đã làm cho văn hóa Việt và văn hóa Việt Nam tách khỏi cội nguồn của nó rất xa. Tuy nhiên, chính nhờ đó mà sức mạnh tinh thần và vật chất của văn hóa Việt Nam đã được đổi mới và được vun bồi những yếu tố cần thiết để cho nó có thể thích ứng với những bối cảnh và thách thức mới.