Vấn đề ruộng đất trong cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975
Từ trước tới nay, khi nói đến vấn đề ruộng đất trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, chúng ta thường gắn mục tiêu - quyền lợi của vấn đề ruộng đất với vấn đề dân tộc, gắn “độc lập dân tộc” với “người cày có ruộng”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, diễn tiến của cách mạng cũng như vấn đề ruộng đất ở miền Nam không đơn thuần như ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong giai đoạn từ 1954 đến 1969, nông dân miền Nam đứng lên chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn vì hai mục tiêu độc lập dân tộc và ruộng đất. Từ sau năm 1970, khi ruộng đất đã cơ bản về tay nông dân do chính sách ruộng đất của chính quyền cách mạng và của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thì mục tiêu đấu tranh vì ruộng đất không còn cấp thiết nữa. Song nông dân miền Nam vẫn một lòng theo cách mạng, hy sinh cả ruộng đất và thành quả từ ruộng đất của mình cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.