Một số vấn đề mới về dân tộc ở nước ta hiện nay

Cập nhật 11:00 ngày 05/12/2023
(Tin tức) - TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, trong lịch sử phát triển đất nước, các dân tộc và vấn đề dân tộc luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của cách mạng Việt Nam” và được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với chính sách cụ thể ở một số tộc người, địa phương và trên cả nước qua các thời kỳ lịch sử, góp phần to lớn vào việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ có hiệu quả vào công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.
Sáng ngày 29/11/ 2023, tại Hội trường 3C, trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup long trọng tổ chức Hội nghị thông báo Dân tộc học năm 2023 về chủ đề “Một số vấn đề mới về dân tộc ở nước ta hiện nay”. Hội nghị là sự kiện thường niên được Viện Dân tộc học thực hiện nhằm thông báo về những vấn đề mới trong công tác nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm, giảng viên các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và sự quan tâm theo dõi, đưa tin của một số cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
 

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội nghị
Ảnh: Chu Quang Cường - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: Trong lịch sử phát triển đất nước, các dân tộc và vấn đề dân tộc luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán nguyên tắc “Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Nguyên tắc này được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với chính sách cụ thể ở một số tộc người, địa phương và trên cả nước qua các thời kỳ lịch sử, thể hiện ý nghĩa to lớn, sâu sắc trong giải quyết các vấn đề về dân tộc, phát huy nguồn lực của các dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Ngoài việc đánh giá cao ý nghĩa và vai trò quan trọng của Hội nghị thường niên đối với công tác dân tộc, Chủ tịch Viện Hàn lâm đặc biệt quan tâm đến những vấn đề mới được Hội nghị thông báo Dân tộc học năm 2023 đề cập và cho rằng để Hội nghị có thêm nhiều thời gian cũng như được lắng nghe nhiều hơn các ý kiến trao đổi, Chủ tịch Viện Hàn lâm đề nghị các báo cáo tham luận cần được trình bày ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; các trao đổi cần được Ban tổ chức Hội nghị tổng hợp một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định các chính sách phát triển dân tộc, đưa khoa học vào cuộc sống, góp phần phát triển bền vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Thông qua các tham luận có liên quan đến các vấn đề như: Ý thức quốc gia – dân tộc của một số tộc người vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc; Tác động của truyền thông đến ý thức quốc gia của một số dân tộc vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc; Trung Quốc rào đường biên giới: thách thức và cơ hội đối với các tộc người thiểu số vùng biên giới phía Bắc; “Ít người chưa hẳn là yếu thế” (thảo luận về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với dân tộc thiểu số rất ít người Ơ-đu ở tỉnh Nghệ An); “Dân tộc giàu” – quan điểm, cách nhìn và thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum… các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận sâu về nhiều vấn đề những vấn đề mới nổi trong ý thức cộng đồng các dân tộc thiểu số, những biến tiếp liên quan đến văn hóa, chính trị, kinh tế…
 

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Viện Dân tộc học trình bày tham luận tại Hội nghị

Luận bàn về ý thức quốc gia dân tộc của một số tộc người ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Viện Dân tộc học cho biết, nhóm các tộc người ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc bao gồm 4 tộc người: Tày, Nùng, Hmông và Lô Lô được xem như là đại diện điển hình cho các tộc người thiểu số cư trú ở vùng biên giới Việt – Trung, với những đặc điểm nổi bật về địa hình hiểm trở, là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc cư trú vắt ngang hai bên biên giới, trở thành một không gian xã hội phức tạp thách thức sự quản trị của nhà nước trong lịch sử. Ngay cả khi sự thống nhất và toàn vẹn về chủ quyền lãnh thổ được củng cố, đường biên giới đã được phân định, quá trình xây dựng ý thức quốc gia – dân tộc của Việt Nam gần đây vẫn bị thách thức bởi sự chênh lệch giữa hai nền kinh tế và chiến lược biên giới mềm của Trung Quốc đã tạo ra lực hút đối với lao động di cư tộc người thiểu số vùng biên giới Việt – Trung. Trong bối cảnh tăng cường tương tác xuyên quốc gia đó, việc tìm hiểu tình cảm, ý thức quốc gia của các cộng đồng thiểu số biên giới được đặt ra cần thiết hơn bao giờ hết.
 
Theo số liệu từ các số liệu thống kê cho thấy, so với trước những năm 70 thế kỷ XX, từ sau cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ biên giới phía Bắc, đồng bào các dân tộc nêu trên đã từng bước nâng cao được trình độ nhận thức từ mơ hồ đến rõ ràng và được củng cố ngày càng ổn định các kiến thức có liên quan đến biên giới, đường biên giới, cột mốc quốc giới, lãnh thổ quốc gia và các giá trị mang tính biểu tượng quốc gia. Những chuyển biến ý thức này có được là nhờ vào việc thực thi có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, sự tuyên truyền và vận động của các cơ quan chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng và hoạt động thực tiễn của chính người dân trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia. Ngoài ra, chính việc Trung Quốc xây rào chắn đường biên cũng góp phần củng cố nhận thức về biên giới của người dân, nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia Việt Nam.
 
Những nhận thức này đã góp phần định hướng thế ứng xử của đồng bào đối với các thành tố, các yếu tố thể hiện ý thức quốc gia – dân tộc, khiến cho người dân tích cực tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ cột mốc, đường biên, tham gia các sinh hoạt chính trị, văn hóa … ở cấp cơ sở, thực hiện đủ, đúng các nghĩa vụ công dân, gắn bó với địa bàn, yêu quê hương, xứ sở, con người, luôn hướng về tổ quốc…
 

TS. Nguyễn Thị Tám, Viện Dân tộc học trình bày tham luận tại Hội nghị

Luận bàn về những vấn đề còn tồn tại trong việc thực thi chính sách vùng các dân tộc thiểu số, TS. Nguyễn Thị Tám, Viện Dân tộc học chia sẻ: Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 14 dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn ở các tỉnh có vùng cao, đường biên như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Kon Tum… nhóm đồng bào này được coi là nhóm dân tộc yếu thế nên Đảng và Nhà nước ta đã ra một số các quyết sách quan trọng mang tính đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa cho các tộc người này. Nhờ vậy, diện mạo đời sống của người dân đã từng bước có những đổi thay, cải thiện.
 
Tuy nhiên, sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt này cũng đã tạo ra một số thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của các tộc người, nhất là liên quan đến ý thức dân tộc, tạo sự phụ thuộc, ỷ lại, mất dần nội lực vươn lên ở nhóm dân tộc được thụ hưởng chính sách, sự so bì của nhóm dân tộc nằm ngoài chính sách… đã làm giảm đi sự gắn kết dân tộc, tiêu biểu cho vấn đề mới nổi này có thể kể đến dân tộc Brâu – tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me, là một trong 5 dân tộc thiểu số có dân số dưới 1000 người ở Việt Nam, hiện được biết đến với cụm từ “dân tộc giàu” bởi những chênh lệch trong việc thụ hưởng chính sách với các nhóm dân tộc khác với rất nhiều những vấn đề cần được nhận diện một cách nghiêm túc, thông qua các nghiên cứu bài bản và có hệ thống…
 

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Ảnh: Chu Quang Cường - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
 
Bên cạnh các tham luận được trình bày, các ý kiến trao đổi đã góp phần bổ sung, nhận diện rõ hơn được các vấn đề mới nổi trong công tác dân tộc có liên quan đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển và hải đảo; đánh giá được những sự ảnh hưởng của các vấn đề như: mâu thuẫn và xung đột tộc người; sự khác biệt và đa dạng văn hóa; bảo tồn văn hóa; ý thức tộc người; liên hôn; chiến lược phát triển kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế địa phương; vai trò chủ thể của cộng đồng tộc người trong xây dựng nông thôn mới; vấn đề cộng đồng dân tộc – tôn giáo; phân hóa giàu nghèo… làm cơ sở cho dự báo xu hướng mới trong công tác phát triển và giải quyết các vấn đề liên quan đến tộc người và phát triển bền vững.
 

PGS.TS. Lâm Bá Nam (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) phát biểu tổng kết Hội nghị

Tổng kết Hội nghị, Phó giáo sư Lâm Bá Nam (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đã vui mừng trước kết quả nhận được tại Hội nghị và cho rằng Hội nghị đã đạt được thành công ngoài mong đợi với nhiều ý kiến được trao đổi, những nội dung được trình bày đã cho thấy những vấn đề thực tế cần được tiếp tục đẩy mạnh, đầu tư nghiên cứu nhiều hơn trong giai đoạn tới. Các ý kiến cũng là cơ sở để Hội nghị tổng hợp, bổ sung phát triển lý luận, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc phát triển bền vững các tộc người, giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiên nay./.
 
Theo Vass.gov.vn
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn