Hội thảo khoa học “Phát triển khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay” và Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Nhà nước và Pháp luật
Cập nhật 11:21 ngày 03/08/2022
(Tin tức) - Ngày 26/07/2022, Viện Nhà nước và Pháp luật đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay” và Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Hội thảo khoa học “Phát triển khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay” có sự tham gia của đông đảo các đại biểu, các nhà khoa học trong và ngoài Viện. Hội thảo do hai Phó Viện trưởng, TS. Phạm Thị Thúy Nga và TS. Nguyễn Linh Giang, chủ trì. Hội thảo đã lắng nghe, trao đổi và thảo luận về nội dung của 4 tham luận liên quan đến các vấn đề trong phát triển khoa học pháp lý ở Việt Nam giai đoạn hiện nay. Các báo cáo đó là:
Tiếp tục đổi mới tư duy về nhà nước và pháp luật hiện nay ở nước ta (GS.TS. Võ Khánh Vinh, Viện Nhà nước và Pháp luật);
Các quan điểm có tính đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (GS.TSKH. Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học);
Vai trò kinh tế, xã hội của Nhà nước trong một thế giới đang thay đổi – Một số luận điểm rút ra từ các kết quả nghiên cứu (PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam);
Sự phát triển của pháp luật trong bối cảnh mới (PGS.TS. Lê Mai Thanh, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật).
TS. Phạm Thị Thúy Nga và TS. Nguyễn Linh Giang chủ trì Hội thảo
Trong tham luận của mình, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, việc thay đổi tư duy pháp lý là một yêu cầu mang tính khách quan và cấp bách. Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc thay đổi tư duy đó, nếu những thay đổi này phù hợp với quy luật tự nhiên thì chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn, trở ngại gặp phải trong quá trình phát triển. Tác giả đưa ra 5 định hướng chính trong việc thay đổi tư duy pháp lý:
- Hình thành và phát triển tư duy nghiên cứu mang tính chất chuyên ngành, đa ngành, xuyên ngành về nhà nước và pháp luật;
- Hình thành và phát triển tư duy gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, đào tạo, tư vấn chính sách và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật;
- Hình thành và phát triển tư duy hiện đại hóa, nhân văn hóa nhà nước và pháp luật Việt Nam, đẩy mạnh hội nhập về nhà nước và pháp luật;
- Hình thành và phát triển tư duy pháp quyền;
- Hình thành tư duy pháp lý mới phù hợp với hiện thực mới về nhà nước và pháp luật trong mối quan hệ với xã hội, dân chủ hóa và kinh tế thị trường.
GS.TS. Võ Khánh Vinh
Tiếp theo là tham luận của GS.TSKH. Đào Trí Úc về các quan điểm có tính đột phá trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới. Ông chia sẻ 7 quan điểm lớn mang tính đột phá, trong đó có các quan điểm liên quan đến các vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và bảo vệ quyền con người; dân chủ xã hội chủ nghĩa; độc lập tư pháp; quyền lực nhà nước;... Đây là những quan điểm lớn trong định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045.
Sau đó, hội thảo tiếp tục lắng nghe tham luận của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh. Tác giả đưa ra một số luận điểm về vai trò kinh tế, xã hội của Nhà nước trong một thế giới đang thay đổi. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã tổng hợp các công trình nghiên cứu với các khía cạnh về vai trò của Nhà nước, nhấn mạnh đến các thay đổi trong quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, phân tích sâu sự thay đổi về vai trò của Nhà nước, liên kết với sự thay đổi từ nhu cầu của thực tế. Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, vai trò của Nhà nước không phải là bất định mà luôn luôn có sự biến đổi và thích ứng với nhu cầu của xã hội. Đối tượng điều chỉnh của Nhà nước hiện nay không chỉ đơn thuần là ý muốn của Nhà nước mà chính Nhà nước cần phải phục vụ cho nhu cầu của sự phát triển.
GS.TSKH. Đào Trí Úc
Tham luận cuối cùng với chủ đề về sự phát triển của pháp luật trong bối cảnh mới do PGS.TS. Lê Mai Thanh trình bày. Bài viết tập trung vào việc phân tích sự phát triển của pháp luật để đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền, trong đó tác giả đã đánh giá các bối cảnh mới xuất phát từ những thay đổi trong nước và quốc tế. Bài viết nhấn mạnh đến đòi hỏi của pháp luật về tính ổn định, công bằng cũng như sự hiệu quả của pháp luật với những điều kiện tiếp nhận pháp luật nước ngoài cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. PGS.TS. Lê Mai Thanh cũng đề cập đến các bối cảnh mới ảnh hưởng đến sự phát triển của pháp luật như biến đổi khí hậu, các vấn đề khủng hoảng khẩn cấp như dịch Covid-19 mà cả thế giới đã và đang phải đối mặt.
PGS.TS. Lê Mai Thanh
Bình luận về 4 báo cáo, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, các tham luận có nhiều ý tưởng chung liên quan đến việc đổi mới tư duy xây dựng và thực hiện pháp luật, trong đó có tư duy về dân chủ xã hội chủ nghĩa, về Nhà nước pháp quyền, về quyền con người,… TS. Nguyễn Linh Giang rất tâm đắc với chia sẻ của GS.TSKH. Đào Trí Úc về quan điểm “Nhà nước có khuôn mặt con người”. Quan điểm này vừa dễ hình dung mà lại bao hàm những triết lý sâu xa.
Theo TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nội dung của 4 tham luận rất hay, bổ ích. Ông nhìn nhận, chưa bao giờ sự cạnh tranh trong phát triển lại gay gắt như lúc này, Việt Nam lựa chọn con đường nào để hội nhập với khoa học pháp lý thế giới hay là đứng ngoài cuộc hoặc đi theo con đường riêng của mình? Ông cũng bình luận những vấn đề về độc lập tư pháp và Nhà nước pháp quyền với những giá trị mà đất nước ta mong muốn, đó là công bằng, tự do, dân chủ và hạnh phúc…
TS. Nguyễn Văn Cương bình luận các tham luận
PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng để đạt được như hiện nay thì khoa học pháp lý đã phải trải qua một thời kỳ dài. Ông chia sẻ về hoạt động của Viện Nhà nước và Pháp luật những năm của thập niên 1980 - 1990 khi đã tổ chức nhiều hội thảo về khoa học pháp lý. PGS.TS. Nguyễn Niên, nguyên Phó Viện trưởng, đã có bài viết rất hay về xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp cũng như những sản phẩm khoa học của GS.TSKH. Đào Trí Úc và các nhà khoa học khác về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và đến nay những kết quả nghiên cứu đó được thừa nhận và triển khai thực hiện trong cuộc sống.
PGS.TS. Phạm Hữu Nghị
GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Phó Viện trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đưa ra một số quan điểm về vấn đề phát triển khoa học pháp lý và mong muốn Viện Nhà nước và Pháp luật là nơi quy tụ, tập hợp các nhà khoa học để tiếp tục thực hiện tốt vai trò nghiên cứu những vấn đề khoa học lý luận, mang tính hàn lâm.
Ngoài ra, hội thảo còn đón nhận những ý kiến thảo luận của các nhà khoa học khác.
Sau khi kết thúc hội thảo, Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra. Chủ trì Lễ kỷ niệm là PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, TS. Phạm Thị Thúy Nga và ThS. Cao Việt Thăng.
GS.TS. Hoàng Thế Liên
Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Viện và Tạp chí qua các thời kỳ: PGS.TS. Nguyễn Niên, GS.TSKH. Đào Trí Úc, GS.TS. Hoàng Thế Liên, GS.TS. Võ Khánh Vinh, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, PGS.TS. Nguyễn Trung Tín, PGS.TS. Lê Mai Thanh,… và đông đảo cán bộ hưu trí cũng như viên chức, người lao động đang công tác tại Viện.
Buổi lễ cũng vui mừng chào đón các đại biểu khách mời đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Đại học Luật Hà Nội; Học viện Phụ nữ Việt Nam; Trường Đại học Nội vụ, phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, ban ngành khác.
Sau phần chào cờ và văn nghệ, TS. Phạm Thị Thúy Nga đã trình bày “Báo cáo 55 năm xây dựng và pháp triển Viện Nhà nước và Pháp luật”. Bản báo cáo khái quát sự hình thành và phát triển của Viện; tóm tắt các mặt hoạt động và thành tựu đã đạt được; giới thiệu về chiến lược và kế hoạch hoạt động của Viện trong thời gian tới, đặc biệt là trong hoạt động Nghiên cứu khoa học.
Lãnh đạo Viện và Tạp chí qua các thời kỳ
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Niên (Phó Viện trưởng từ 1980-1988) rất cảm động khi dự buổi lễ vô cùng ý nghĩa này. Ông đã kể lại những kỷ niệm trong quá trình công tác tại Viện và mong muốn 5 năm nữa, vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập sẽ có cuốn sách biên niên sử về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Viện.
GS.TSKH. Đào Trí Úc công tác tại Viện từ năm 1976 đến năm 2008, trong đó giữ chức danh Viện trưởng từ 1998-2008. Ông chia sẻ, Viện là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu ra các nhà lãnh đạo của đất nước. Ông kỳ vọng Viện sẽ là trung tâm trí tuệ của nghiên cứu luật học, tiếp tục giữ vững định hướng, mục tiêu nghiên cứu ở tầm hàn lâm.
Các đại biểu cũng đã lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Như Phát, người công tác ở Viện gần 43 năm, trong đó giữ chức vụ Viện trưởng từ 2008-2015, tâm sự về những kỷ niệm trong quá trình làm việc tại Viện. Ông khẳng định, từ trước đến nay, Viện là cái nôi trong việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật, với các ý tưởng, sáng kiến về cải cách tư pháp, độc lập tư pháp, kinh tế thị trường… Đặc biệt, Viện chính là cơ quan đầu tiên nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, người giữ chức vụ Viện trưởng từ 2015-2022 cho biết ông rất vinh dự và tự hào khi được công tác và trưởng thành từ Viện và nhìn nhận Viện đã đóng góp nhiều cho khoa học pháp lý nước nhà.
Toàn thể Lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, cán bộ hưu trí và viên chức, người lao động của Viện chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu kết thúc buổi lễ, TS. Phạm Thị Thúy Nga chân thành cám ơn các đại biểu khách mời, lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, cán bộ hưu trí của Viện đã đến dự buổi lễ và chia sẻ về các thành tựu tiêu biểu mà Viện đã đạt được cũng như nhiều kỷ niệm khó quên trong thời gian công tác tại Viện. TS. Phạm Thị Thúy Nga khẳng định toàn thể viên chức, người lao động của Viện sẽ luôn cố gắng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh nghiên cứu khoa học, tôn trọng, duy trì và giữ vững truyền thống tốt đẹp của Viện.
Nguồn: Viện Nhà nước và Pháp luật