Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – Điểm cầu vùng Nam Bộ

Cập nhật 15:00 ngày 25/03/2023
(Tin tức) - 25/03/2023 Sáng ngày 24 tháng 3 năm 2023, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Viện Phát triển xã hội và chính sách, Viện Công nghệ đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo luật đất đai (sửa đổi)”. Hội thảo diễn ra tại trụ sở Viện, số 49 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng; TS. Phạm Đình Chi; TS. Phan Minh Phụng chủ trì Hội thảo
 
Tham dự có gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và vùng Nam Bộ: Sự tham gia của Lãnh đạo các sở ban ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo các cơ quan Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo và viên chức Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Lãnh đạo và viên chức Viện Phát triển xã hội và chính sách; Lãnh đạo và viên chức Viện Công nghệ đào tạo nguồn nhân lực ASEAN; Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Các Viện Nghiên cứu và trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh; Học viên, Nghiên cứu sinh Cơ sở Học viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học HUTECH, Đại học Fullbright; Các cơ quan truyền thông, báo chí: TTXVN, HTV, VOV, SGGP, báo Pháp Luật, Đại đoàn kết,..
 
Ban tổ chức Hội thảo tặng quà lưu niệm các Nhà tài trợ
 
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng – Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS. Phạm Đình Chi – Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội và chính sách; TS. Phan Minh Phụng – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ đào tạo nguồn nhân lực ASEAN.
 
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu, giảng viên, luật sư, doanh nhân,… khu vực phía Nam. Các tham luận tập trung đưa những vấn đề trọng yếu nhằm góp ý cho Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) như: Tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Hoàn thiện luật đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; Xây dựng bảng giá đất; Việc giải quyết tranh chấp đất đai.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
 
Tại phiên thảo luận của Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và luật sư. Các ý kiến xoay quanh vấn đề chính như thu hồi đất, bồi thường cho người dân; Làm rõ các khái niệm, thuật ngữ trong Dự thảo; Việc quy định tạo điều kiện tốt hơn cho việc khai thác giá trị đất và cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân; Phương thức xác định bảng giá đất; Hạn chế những tiêu cực trong việc tích tụ ruộng đất.
 
TS. Nguyễn Hữu Nguyễn (Hội Qui hoạch Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng hiện nay người mua định giá còn người bán là người dân phải chấp nhận sự định giá đó. Việc thu hồi thực ra là nhà nước đang mua lại quyền sử dụng đất của dân, do đó nên cân nhắc sử dụng từ “thu hồi” đất. Các doanh nghiệp phải mua lại đất của người dân với giá thị trường chứ không phải mua lại với giá trong khung giá đất.
 
Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng chia nêu: xác định giá đất sát với giá trị trường là mong muốn của mọi người dân, đặc biệt là người dân có đất trong diện quy hoạch, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án thương mại. Song việc xác định giá đất và bảng giá đất hằng năm hiện nay rất khó khăn.
 
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng chia sẻ với Hội thảo
 
Nếu dựa vào các giao dịch đất đai trên thị trường thì rất khó để xác định giá bởi hầu hết các giao dịch đất đai (đặc biệt là các khu dân cư, khu đô thị cũ, các giao dịch hầu hết giữa cá nhân với cá nhân) do hai bên thỏa thuận và do đó khó biết được giá trị giao dịch thực của một bất động sản để tính thuế chuyển nhượng.

Từ thực tế trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng đề xuất: Để có được căn cứ vững chắc cho việc xác định giá đất qua các giao dịch có lẽ cần có chế tài đủ mạnh và các cơ chế hậu kiểm đối với các giao dịch gian dối về giá trị thực nhằm mục đích trốn thuế của Nhà nước. Nếu làm chặt chẽ sẽ là một mũi tên trúng hai đích: ngân sách nhà nước sẽ được tăng lên qua hoạt động giao dịch bất động sản, đồng thời giá cả công khai sẽ là căn cứ xây dựng bảng giá một cách thuận lợi và sát thị trường. "Hội đồng xác định giá đất hàng năm cần chú ý bổ sung các thành viên độc lập không phải trong hệ thống nhà nước như: thành viên từ Công ty thẩm định giá có kinh nghiệm về bất động sản, hiệp hội bất động sản, cán bộ thẩm định giá đất của các ngân hàng lớn... Việc xác định bảng giá đất hằng năm có khó, nhưng nếu làm tốt và nghiêm túc thì đây sẽ là một công cụ quan trọng giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với đất đai hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng phân tích.
 
ThS. Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định thêm việc bồi thường cho dân nên đánh giá cuộc sống của dân sau tái định cư so với trước khi tái định cư, và việc hỗ trợ cho người dân tái định cư cần phải nêu chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng (người già, người trong độ tuổi lao động, trẻ em…) để đảm bảo chuẩn mực và mục tiêu làm cho cuộc sống của người dân phải tốt bằng hoặc hơn trước khi thu hồi.
 
ThS. Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố HCM) phát biểu
 
Ý kiến góp ý của Luật sư, TS.Thái Trung Kiên ( Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cần làm rõ các thuật ngữ, khái niệm trong Dự thảo như thuật ngữ: Thị trường quyền sử dụng đất; Quyền sử dụng đất là hàng hóa và có thị trường của hàng hóa, thì các yếu tố cấu thành, chủ thể hàng hóa đó được quy định như thế nào? Quyền tiếp cận quyền sử dụng đất của các chủ thể có liên quan theo nhu cầu của họ? Các tranh chấp liên quan đến đất đai, vấn đề đặt ra là làm sao thỏa mãn được nhu cầu bồi thường của người dân.
 
TS. Hoàng Thị Thu Huyền (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng nếu tích tụ ruộng đất quá nhiều sẽ dẫn tới một bộ phân nông dân không có ruộng đất, tuy nhiên đây là điều cần thiết để mở rộng sản xuất theo quy mô để ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất. Dự thảo Luật nên đưa ra một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân khi thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phù : “để không ai bị bỏ lại phía sau “.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Đại diện Ban Tổ chức PGS.TS. VũTuấn Hưng phát biểu bế mạc và cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự Hội thảo. Các bài tham luận, các ý kiến đóng góp sẽ đươc Viện tổng hợp gửi đến các cơ quan tham gia công tác hoàn thiện Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
 
Tổ Công tác truyền thông,
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
 
Nguồn Vass.gov.vn
 
 
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn