Hội thảo khoa học: “Danh nhân Phan Huy Ích (1751-1822) và dòng họ Phan Huy”

Cập nhật 11:00 ngày 22/04/2022
(Hoạt động khoa học) - Sáng ngày 22/3/2022, tại trụ sở UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Dòng họ Phan Huy và UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 200 ngày mất của Dụ Am Phan Huy Ích, vị quan tam triều (Lê, Tây Sơn, Nguyễn), nhà ngoại giao và là văn nhân nổi tiếng của dòng họ Phan Huy nói riêng và lịch sử Việt Nam thời trung đại nói chung.
Chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm), Ông Phan Huy Huân (Trưởng chi họ Phan Huy - Sài Sơn), Ông Phan Huy Hiền (Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc Phan Huy), Ông Đàm Công Lợi (Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quốc Oai), Ông Đỗ Văn Tâm (Chủ tịch UBND xã Sài Sơn), GS.TS Anh Kyong-hwan (Hiệu trưởng trường Korea Global School, Hàn Quốc) và gần 200 đại biểu tham dự bao gồm các nhà khoa học và hậu duệ của dòng họ. Hội thảo nhận được lời chào mừng (được ghi hình trước) của Ngài Ban Ki-moon - Nguyên Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc, Giám đốc Quỹ Ban Ki-moon Vì Một Tương Lai Tốt Đẹp Hơn; phần quà tặng của Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Việt (KOVECA) và tài trợ tổ chức hội thảo từ gia tộc họ Phan Huy dành cho các đại biểu và các nhà khoa học đến tham dự Hội thảo. Đến đưa tin hội thảo có phóng viên báo, đài truyền hình trung ương, địa phương, và tạp chí GoodmorningVietnam bằng tiếng Hàn Quốc tại Việt Nam.
 
Chủ trì phiên Khai mạc
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường chỉ rõ, dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn vốn có nguồn gốc từ dòng họ Phan Huy nổi tiếng về khoa bảng và sĩ hoạn ở Xứ Nghệ. Đến đời thứ 7, cụ Phan Huy Cận (1722 – 1789, còn đọc là Phan Huy Cẩn) quyết định chuyển cư đến xã Thụy Khuê huyện Yên Sơn phủ Quốc Oai (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội), từ đó lập nên một nhánh Phan Huy Sài Sơn, tiếp tục phát triển truyền thống hào hùng của tổ tiên dòng họ Phan Huy ở Nghệ Tĩnh xưa. Sau khi định cư trên vùng đất mới, các thế hệ tiếp theo của cụ Phan Huy Cận đã kế thừa và phát dương nếp nhà, đóng góp nhiều bậc hiền tài, cống hiến cho quốc gia và xã hội từ nhiều lĩnh vực như văn chương, lịch sử, ngoại giao, văn hoá, giáo dục. Trong đó, có vị trí nổi bật là hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ, Dụ Am Phan Huy Ích. PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường cũng nhấn mạnh công tích của Dụ Am Phan Huy Ích đối với lịch sử bang giao Việt – Hoa và Việt - Triều, những đóng góp của ông trong sự nghiệp giáo dục nhân tài Nho học tại quê nhà, và đặc biệt là sự nghiệp thơ văn tập trung trong các sách Dụ Am thi văn tập, Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập …, và các thơ văn chép trong nhiều sách khác và biên soạn một số bài văn bia.Cũng trong phiên khai mạc, bên cạnh phát biểu của các lãnh đạo địa phương là nghi thức đại diện của tổ chức KOVECA trao tặng bức thư pháp cho dòng họ Phan Huy. Đây là một bài thơ ngũ ngôn được sáng tác nhân dịp “thư ký” sứ đoàn Triều Tiên là Phác Gia Tề tặng cho sử thần Việt Nam là Phan Huy Ích một chiếc quạt khi cùng thị yến ở Tây uyển (Trung Quốc). Bài thơ kết bằng hai câu thơ sau:
 
“Tử ngã tương phùng xứ,
Trì đường nhất thích chu.”
 
Nghĩa là:
 
“Nơi tôi và ngài gặp nhau
Một chiếc thuyền con trên hồ.”
 
Đại diện tổ chức KOVECA trao tặng thư pháp cho dòng họ Phan Huy
 
Sau phiên khai mạc, hội thảo chia làm hai phiên để trình bày và thảo luận các vấn đề khoa học liên quan tới chủ đề hội thảo. Do thời gian hạn chế, trong tổng số 18 bài viết của 19 tác giả trong và ngoài nước tham dự hội thảo chỉ có 8 bài được trình bày tại hội thảo nhưng đã làm nổi bật những nội dung chính như: những vấn đề chung về dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn (tham luận của GS. Đinh Khắc Thuân, TS Nguyễn Hữu Mùi -Viện Nghiên cứu Hán Nôm); thân thế, sự nghiệp của danh nhân Phan Huy Ích (GS.TS Ah Kyong-hwan – Korea Global School, PGS.TS Vương Thị Hường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS. Nguyễn Hữu Tâm, TS Lê Quang Chắn - Viện Sử học); thành tựu thơ văn của Dụ Am Tiên sinh (PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - Đại học Sư phạm HN, TS Nguyễn Ngọc Nhuận – Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Ngoài các tham luận trình bày tại hội thảo, toàn bộ các bài viết tham dự hội thảo đã được phản biện, biên tập và xuất bản trong ấn phẩm Kỉ yếu hội thảo được hoàn thành trước ngày tổ chức Hội thảo và trao tặng cho các đại biểu dự Hội thảo.
 
Kỷ yếu hội thảo
 
Theo báo cáo đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cho tập Kỉ yếu hội thảo: “Trong các chủ đề và vấn đề được đặt ra trong Hội thảo này, có một số vấn đề đã được các nhà nghiên cứu trước đây tìm hiểu, bàn thảo khá nhiều, nhưng cũng có những vấn đề được đề xuất mới và bước đầu đề xuất phương án và quan điểm để giải quyết. Các tác giả tham luận là những học giả đã có nhiều kinh nghiệm học thuật, đóng góp tiếng nói khoa học từ góc độ cá nhân và chịu trách nhiệm trước những tư liệu và quan điểm mà mình sử dụng và đưa ra. Các vấn đề được bàn thảo đã đánh dấu một cột mốc trong tư duy và nhận thức của chúng ta ngày nay về danh nhân Phan Huy Ích cũng như về những vấn đề cụ thể liên quan, đồng thời là những gợi mở để tiếp tục triển khai các nghiên cứu tiếp theo trên cả hai hướng mở rộng và đi sâu”./.
 
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
 
Phụ lục: Đường dẫn tới các thông tin về hội thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
 
 
 
 
Tin: Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn