Hội nghị góp ý Dự thảo Quy chế Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cập nhật 10:00 ngày 13/08/2023
(Tin tức) - Chiều ngày 10/8/2023, tại Hội trường lớn, trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Quy chế Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm). TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm và các Phó Chủ tịch: TS. Đặng Xuân Thanh và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đến dự và chỉ đạo Hội nghị; cùng sự có mặt của đại diện Lãnh đạo, các cán bộ chuyên trách về Quản lý khoa học của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội Nghị và cho rằng các ý kiến trao đổi sẽ làm rõ hơn những điểm còn vướng mắc trong quy trình quản lý khoa học tại Viện Hàn lâm. Chủ tịch Viện Hàn lâm yêu cầu, các ý kiến trao đổi tập trung vào những vấn đề sau: Góp ý sâu để Quy chế khi ban hành phải bám sát, đúng Luật KHCN, xử lý được các vấn đề mà các cơ quan thanh tra, kiểm toán đặt ra; Làm rõ hơn về các thủ tục quy định việc Viện Hàn lâm giao các Đề tài/nhiệm vụ cho các chủ nhiệm; Phân tích những điểm cần làm rõ trong cơ chế khai thác các nguồn đề tài từ xã hội (bao gồm: Điều kiện, thủ tục, trình tự thực hiện và quản lý, khai thác các kết quả nghiên cứu)... Hướng tới việc hoàn thiện và ban hành được Quy chế Quản lý khoa học đáp ứng các yêu cầu của Pháp luật và phù hợp với đặc thù riêng của Viện Hàn lâm.
 

PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban, Ban Quản lý Khoa học phát biểu tại Hội nghị

Tại báo cáo tóm tắt góp ý của các đơn vị về Dự thảo Quy chế Quản lý khoa học, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban, Ban Quản lý Khoa học đã điểm qua các vấn đề cần tiếp tục trao đổi có liên quan đến một số vấn đề như: Tiêu chuẩn lựa chọn chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ; Phương thức tuyển chọn đề tài; Tiêu chuẩn lựa chọn chuyên gia/ thành lập Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề tài/nhiệm vụ; Các điểm cần lưu ý trong việc tìm kiếm, khai thác, sử dụng các nguồn lực tài chính; Vấn đề liên quan đến điều chỉnh/thay đổi trong quá trình thực hiện đề tài/nhiệm vụ; Các quy định về thời gian thực hiện đề tài/nhiệm vụ; Thời gian tiến hành ký Hợp đồng hoạt động khoa học hàng năm; Quy trình liên quan đến thủ tục nghiệm thu, thanh lý, lưu trữ và khai thác đề tài/nhiệm vụ…
 

Bà Phạm Kim Huế, đại diện Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, đại diện Viện Triết học phát biểu tại Hội nghị

Hầu hết các ý kiến trao đổi tại Hội nghị nêu bật được những khó khăn, tồn tại ở các đơn vị, những rào cản trong quá trình thực hiện đề tài/nhiệm vụ có liên quan đến học hàm, học vị, tiêu chuẩn lựa chọn chủ nhiệm đề tài/nhiệm vụ; Các quy định liên quan đến bài đăng tạp chí trong quá trình thực hiện đề tài/nhiệm vụ; Những vấn đề cần lưu ý và làm rõ đối với nhiệm vụ cấp Bộ được giao trực tiếp và tuyển chọn; Các Quy định liên quan đến thẩm định kinh phí sau tuyển chọn đề tài/nhiệm vụ; Các yêu cầu liên quan đến chuyên môn, đặc thù chuyên ngành đối với chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện đề tài/nhiệm vụ
 

Toàn cảnh Hội nghị Góp ý Quy chế Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm

Tổng kết Hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi và cho rằng hơn 20 ý kiến luận bàn tại Hội nghị đã góp phần quan trọng, cung cấp cơ sở thực tiễn để Ban Quản lý Khoa học tiến hành rà soát, bổ sung những điểm còn vướng mắc trong Dự thảo Quy chế Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm. Dựa vào các quy định của pháp luật như Luật KHCN, các thông tư, nghị định, các quy chế của các bộ, ngành liên quan như Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và các Quy chế riêng của Viện Hàn lâm. Mục tiêu và yêu cầu của Quy chế là phải bám sát và làm đúng theo hướng dẫn của Luật KHCN phù hợp với đặc thù thực tế của Viện Hàn lâm nhằm nâng cao chất lượng ứng dụng KHCN, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của cán bộ viên chức Viện Hàn lâm, từng bước ứng dụng CNTT để xây dựng cơ sở dữ liệu về Khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng yêu cầu Ban QLKH lưu ý những vấn đề sau trong quá trình bổ sung và điều chỉnh Quy chế:
 
1/. Mức độ và phạm vi điều chỉnh của Quy chế
 
2/. Xây dựng quy định riêng cho từng loại đề tài/nhiệm vụ
 
3/. Xây dựng cơ chế linh hoạt khi thực hiện đề tài/nhiệm vụ theo đặc thù nổi bật của từng đơn vị
 
4/. Xây dựng cơ chế thông thoáng nhằm khuyến khích cá nhân, đơn vị đề xuất các ý tưởng khoa học
 
5/. Xây dựng quy định về trình tự thủ tự giao đề tài/nhiệm vụ
 
6/. Lược bỏ dần các thủ tục hành chính không cần thiết, hướng tới hoàn thiện quy trình cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn bộ quy trình quản lý khoa học tại Viện Hàn lâm./.
 
Theo Vass.gov.vn
 
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn