Cạnh tranh Ấn - Trung tại Đông Nam Á

Cập nhật 10:00 ngày 29/04/2023
(Hoạt động khoa học) - Chiều ngày 26/4/2023, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học có tựa đề: “Cạnh tranh Ấn - Trung tại Đông Nam Á”. Tham dự Tọa đàm có sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các đơn vị khác nhau như: Học Viện Ngoại giao Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới.

Đông Nam Á là nơi giao thoa ảnh hưởng giữa hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều thiên niên kỷ qua. Sự tương tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Nam Á là một vấn đề được các học giả quan tâm nghiên cứu, thảo luận, đặc biệt là sau khi Ấn Độ bắt đầu chính sách Hướng Đông từ những năm 1990 (đổi thành chính sách “Hành động hướng Đông” năm 2014). Chính sách “Láng giềng tốt” cùng sáng kiến "Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc được khởi động gần đây càng đưa quan hệ Trung - Ấn trở thành tâm điểm. Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ tại Đông Nam Á là một cuộc cờ. Hiện thời, Trung Quốc đi nước cờ mở rộng, Ấn Độ đi nước cờ kiềm chế. Cuộc cạnh tranh này làm phân hóa các mối quan hệ quốc tế khu vực Đông Nam Á. Các mối quan hệ láng giềng tại Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng đang thay đổi nhanh chóng theo cách thức chưa từng có kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Ngoại giao ASEAN trong cuộc cờ Trung - Ấn phản ánh năng lực của tổ chức khu vực này, cũng như sức “kháng bệnh” của ASEAN trước các tác nhân bên ngoài.
 
Tại Tọa đàm, các đại biểu, khách tham dự được nghe 03 tham luận trình bày: (i) Cạnh tranh Trung - Ấn tại Tiểu vùng sông Mekong - TS. Bùi Hải Thiêm, Học viện Ngoại giao Việt Nam; (ii) Vị trí chiến lược của Đông Nam Á trong cạnh tranh Ấn - Trung - TS. Đặng Thu Thuỷ, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; (iii) Cạnh tranh Ấn - Trung tại Đông Nam Á dưới thời Thủ tướng Modi - ThS. Nguyễn Thu Trang, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
 
 
 

Các đại biểu phát biểu, trình bày tại Tọa đàm
 
Trong thời gian qua, khu vực Tiểu vùng Mekong đã chứng kiến sự cạnh tranh rất lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này là do sự quan tâm và những lợi ích của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc tại tiểu khu vực này. Trong khi Ấn Độ dành ưu tiên cho hợp tác về du lịch, văn hoá, giáo dục, vận tải thì Trung Quốc lại chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển, sản xuất và hội nhập kinh tế. Sự cạnh tranh này tác động đa chiều tới toàn bộ khu vực, trong đó có thể chế hợp tác do ASEAN đứng đầu.
 
Trong khi đó, với vị trí chiến lược quan trọng của mình, Đông Nam Á luôn là tâm điểm của sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn như Mỹ - Trung và cả Ấn - Trung. Sự cạnh tranh này tác động tới tính liên kết của ASEAN thông qua các sáng kiến của cả hai bên. Sự cạnh tranh chiến lược thể hiện rõ trên khía cạnh kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh-quốc phòng. Thực trạng này góp phần kích hoạt sự quan tâm của các nước lớn đối với Đông Nam Á, từ đó thúc đẩy quá trình tập hợp lực lượng và tăng cường sự hiện diện và can dự của các cường quốc vào khu vực. Nó cũng khiến cho các nước chú ý đến Đông Nam Á nhiều hơn, tiêu biểu là hai quốc gia láng giềng Australia và Nhật Bản.
 
 
Quang cảnh Tọa đàm
 
Tọa đàm cung cấp cho các học giả và những người làm hoạch định chính sách không chỉ nghiên cứu quan hệ Trung - Ấn như một cặp tách biệt, mà còn làm rõ nhiều khía cạnh của tam giác quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á - Trung Quốc để làm rõ sự tương tác ba bên sẽ định hình tương lai của Đông Nam Á như thế nào.

Theo Vass.goc.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn