Viện Nghiên cứu Văn hóa - nơi tôn vinh sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam

Cập nhật 17:57 ngày 20/11/2023
(Tin tức) - Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa cũng là sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, đầy tiềm năng và thách thức. Đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa, hiện đại hóa đòi hỏi chúng ta phải thấu hiểu và tôn trọng giá trị văn hóa đa dạng mà mỗi tầng lớp, mỗi vùng miền mang lại. Điều quan trọng không chỉ nằm ở việc nhìn về quá khứ và hiện tại, mà còn là việc định hình tương lai. Văn hóa là nguồn lực tinh thần mạnh mẽ để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Nghiên cứu và bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa nước nhà là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nghiên cứu văn hóa (Cultural studies) là một ngành khoa học được hình thành trên vùng tiếp giáp của các tri thức xã hội, nhân văn về con người và xã hội, nhằm làm rõ văn hóa như một chỉnh thể toàn vẹn và như một chức năng đặc biệt. Nghiên cứu văn hóa không chỉ dừng lại ở việc khám phá các tác động của văn hóa đối với con người và xã hội, mà còn đi sâu vào việc phân tích sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố văn hóa khác nhau. Đây là một lĩnh vực đa chiều, không chỉ tập trung vào văn hóa truyền thống mà còn nhấn mạnh sự phát triển và biến đổi của văn hóa đương đại. Đây là cánh cửa mở ra để tìm hiểu về các trào lưu, tác động của công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang thay đổi diện mạo văn hóa trên toàn cầu. Ngoài ra, nghiên cứu văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và giữ gìn các giá trị văn hóa độc đáo của mỗi cộng đồng. Bằng cách tôn trọng và thấu hiểu sâu về văn hóa, chúng ta có cơ hội kết nối với nhau một cách chân thành, vượt qua sự khác biệt và xây dựng một xã hội đa dạng, nhưng vẫn giữ vững bản sắc riêng biệt của mỗi cá nhân và mỗi tộc người.
 

Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có tiền thân là Ban Văn hóa dân gian, chính thức thành lập từ năm 1979. Trải qua 44 năm hình thành và phát triển, Viện đã chứng kiến nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu họp tập, trưởng thành trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa qua quá trình gắn bó với Viện. Số lượng cán bộ, công nhân viên chức của Viện trong từng giai đoạn nói chung không nhiều, song Viện cũng rất tự hào khi có 1 Giáo sư, 5 Phó Giáo sư, hơn 20 Tiến sĩ. Những cây đa cây đề, những nhân vật gạo cội của Viện được đào tạo từ khắp nơi trên thế giới, từ các nước châu Âu như Anh, Đức, Nga, Bungari, Mỹ, Canada, Australia, cho đến các nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore…

Tuy được đào tạo từ những nền học thuật khác nhau, các nhà khoa học của Viện đều là những người có chung một quan điểm, một chí hướng, đó là tôn trọng và yêu quý di sản văn hóa của dân tộc. Từng ngày, họ đóng góp công sức, tri thức và tâm huyết vào việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam. Một số nhà khoa học còn là chuyên gia hàng đầu trong một số lĩnh vực chuyên ngành và nhận các giải thưởng cao quý, như các thầy Nguyễn Đổng Chi và Đinh Gia Khánh với vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, các thầy Ngô Đức Thịnh, Kiều Thu Hoạch, Lê Ngọc Canh với vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước. Thầy Nguyễn Đổng Chi còn được truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, thầy Đinh Gia Khánh được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, thầyVũ Ngọc Khánh được tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì, thầy Phan Đăng Nhật được tặng Huân chương Lao Động hạng Ba, thầy Lê Ngọc Canh được tặng Huân chương Lao Động hạng Nhì, thầy Nguyễn Xuân Kính được trao Huân chương Lao Động hạng Nhì, thầy Lê Hồng Lý được tặng Huân chương Lao Động hạng Ba.

Từ Ban Văn hóa dân gian (1979) đến Viện Văn hóa dân gian (1983), và cuối cùng là Viện Nghiên cứu Văn hóa có thể chỉ là một bước đi nhỏ trong cuộc hành trình của một tổ chức nghiên cứu hàn lâm về văn hóa. Nhưng khi tôi đắm chìm cùng những tâm hồn đằm thắm của những người làm công tác nghiên cứu của Viện, tôi nhận ra rằng, đằng sau sự thay đổi tên gọi này, là một sứ mệnh lớn lao. Viện Nghiên cứu Văn hóa, cái tên đầy hào hứng và đầy sự cảm xúc này, mang theo một tâm hồn sáng tạo và một tầm nhìn sâu rộng. Tên gọi Ban Văn hóa dân gian có vẻ như hẹp hòi, chỉ liên quan đến một phạm vi hẹp về văn hóa dân gian, trong khi Viện Nghiên cứu Văn hóa mở ra một không gian rộng lớn cho sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam.

Đối với các thế hệ cán bộ nghiên cứu, Viện không chỉ là một tổ chức nghiên cứu, mà còn là một ngôi nhà tinh thần, nơi tâm hồn những người yêu văn hóa hòa mình vào không gian tư duy sáng tạo. Thế mạnh của Viện không chỉ nằm ở việc đào tạo và hội tụ các nhà nghiên cứu, học giả có tầm nhìn, mà còn ở sự đa dạng về lĩnh vực và phong cách nghiên cứu. Từ nghiên cứu văn hóa từ bình diện văn học dân gian, ngôn ngữ, nghệ thuật, kiến trúc truyền thống…, cho đến nghiên cứu văn hóa từ bình diện các vấn đề xã hội tưởng chừng như rất bình thường như là hình ảnh của người nổi tiếng trên truyền thông đại chúng, cuộc sống thường ngày của cư dân khu đô thị mới, việc buôn bán của những người bán hàng trên vỉa hè… Tất cả những lĩnh vực mới, đôi khi tưởng chừng như rất hiện đại, quá bình dân để thành vấn đề văn hóa, quá bình thường để nghĩ rằng nó “có vấn đề”, lại đang là những chủ đề nghiên cứu mà Viện đã mở ra và đón nhận.

Ngẫm lại thì, trước đây, khoảng chừng 20 năm về trước, ai mà nghĩ rằng những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống hàng ngày như vậy là vấn đề văn hóa? Đó là thời điểm mà các nghiên cứu văn hóa thường tập trung vào những biểu tượng văn hóa rõ ràng, như các di sản kiến trúc, các bảo vật lịch sử, hay những tác phẩm nghệ thuật hoành tráng. Nhưng sự tiến bộ của xã hội, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ và truyền thông, đã mở ra một trường hợp nghiên cứu mới, những khám phá bất ngờ về văn hóa nằm ngay trước mắt chúng ta.

Ngày nay, các anh chị em cán bộ nghiên cứu trong Viện không hề ngần ngại đưa ra câu hỏi: “Tại sao cuộc sống hàng ngày lại không phải là một phần quan trọng của văn hóa?”. Cuộc sống thường ngày của chúng ta, từ cách mà chúng ta gặp gỡ bạn bè, cách chúng ta tụ tập ăn uống, cho đến cách chúng ta tiêu tiền, đều phản ánh những giá trị, quan điểm và thực tiễn văn hóa mà chúng ta đang sống.

Kết quả của sự thay đổi nhận thức này là, tất cả những công trình nghiên cứu hiện nay của Viện nhìn chung đang hướng đến mục tiêu tôn vinh và hiểu rõ hơn về bản chất đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam. Chúng không chỉ đơn thuần là những nghiên cứu trên giấy, mà là những cuộc khám phá sâu rộng vào đời sống, tiếng nói của người dân, và vào những nét văn hóa tinh tế bao trùm cuộc sống hàng ngày. Hoạt động của Viện, nhờ đó, đã từng bước giúp thay đổi nhận thức về văn hóa của những tổ chức, con người mà nó tiếp xúc; khiến cho những điều vốn thấy thường nhật nay đã trở thành một phần quan trọng trong việc hiểu biết về văn hóa. Đó là một bước đi quan trọng trong việc tôn vinh sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, từ những biểu tượng vĩ đại đến những khoảnh khắc thường ngày nhưng không kém phần quan trọng. Bởi vậy mà, tôi tin rằng, việc đổi tên từ Ban Văn hóa dân gian thành Viện Nghiên cứu Văn hóa không chỉ đơn thuần là một bước đi hình thức, mà còn là một sứ mệnh tôn vinh và gìn giữ sự đa dạng, phong phú của các biểu đạt văn hóa nước nhà. Đó là một tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết không ngừng nghỉ của Viện đối với nhiệm vụ quan trọng này.
 
 
 

Một điều đáng nói là, Viện đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho sự giao thoa văn hóa, cho sự đổi mới và sự sáng tạo. Đối với tôi - một cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện - thì những buổi hội thảo, những cuộc trao đổi kiến thức không chỉ là cơ hội để học hỏi mà còn là không gian để tạo ra những ý tưởng mới mẻ. Nơi đây, mỗi cuộc trao đổi, mỗi cuộc thảo luận đều là một cơ hội mở ra những cánh cửa mới, mở rộng tầm nhìn và làm phong phú hơn nền tảng tri thức của tôi. Hàng năm, Viện vẫn luôn khuyến khích các cán bộ trẻ tổ chức tọa đàm để trình bày các kết quả nghiên cứu mới của mình như là một phần không thể thiếu của sinh hoạt khoa học của Viện. Mỗi cuộc tọa đàm, trao đổi cũng đều là nơi mà ai cũng được phát biểu, chẳng phân biệt ngôi thứ. Tại đây, các anh chị em, các bậc tiền bối lớn tuổi đều tôn trọng tri thức và sự đóng góp của từng thành viên. Đó là tinh thần tương thân, tương ái mà Viện luôn khích lệ và gìn giữ.

Những khoảnh khắc đầy ý nghĩa đó là cơ hội để tôi để gặt hái sự thấu hiểu sâu rộng về tinh thần làm việc của những nhà nghiên cứu văn hóa chân chính. Đó không đơn giản chỉ là trao đổi kiến thức, “báo cáo” về những việc đã làm trong năm, mà còn là nơi chia sẻ những trải nghiệm, những quan điểm và niềm đam mê. Cảm giác được đứng trước đám đông, chia sẻ những khám phá và nhận được phản hồi từ các anh chị em, các bậc tiền bối lớn tuổi là một trải nghiệm không thể quên đối với tôi.

44 năm qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa không chỉ đứng nhìn vào quá khứ mà còn hướng tới tương lai. Những dự án nghiên cứu vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, những cuộc hợp tác quốc tế, tất cả đều phản ánh sự quyết tâm của Viện trong việc đóng góp và hòa nhập vào sự phát triển văn hóa của thế giới.

Viện Nghiên cứu Văn hóa là một biểu tượng của sự kiên định, lòng đam mê và sự cống hiến vượt qua thời gian. Với những bước tiến vững chắc và tầm nhìn xa, Viện đang góp phần xây dựng nên một cộng đồng văn hóa đa dạng, phong phú và phát triển bền vững./.
 

Nguyễn Thanh Tùng
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn